1. Đồng chí Lương Văn Tri, những năm tháng hoạt động cách mạng.
Tháng giêng năm 1928, Lương Văn Tri, Hoàng Văn Thụ đã bí mật từ Cốc Nam, xã Tân Yên, Châu Văn Uyên (nay là xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) sang Trung Quốc bắt liên lạc với ông Bùi Ngọc Thành, đại diện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động ở khu vực Bằng Tường – Long Châu – Nam Ninh (Quảng Tây – Trung Quốc).
Cùng thời gian này, chính quyền Tưởng Giới Thạch (Quốc dân Đảng) tiến hành khủng bố gắt gao phong trào cách mạng của Trung Quốc và hoạt động của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trên đất Trung Quốc. Lương Văn Tri cùng Hoàng Văn Thụ được ông Bùi Ngọc Thành bố trí vào làm công nhân tại xưởng cơ khí Nam Hưng, thành phố Nam Ninh (Quảng Tây – Trung Quốc) để che mắt và tránh sự khủng bố của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Xưởng cơ khí Nam Hưng trở thành địa điểm liên lạc bí mật, tổ chức huấn luyện cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở khu vực Nam Ninh – Long Châu. Trong vai trò người công nhân làm việc tại Xưởng cơ khí Nam Hưng, Lương Văn Tri luôn được đồng nghiệp khen ngợi là người thông minh, khéo léo, chăm chỉ, làm việc hiệu quả.
Với quyết tâm hướng theo lý tưởng đã lựa chọn, cuối năm 1928, Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ được ông Bùi Ngọc Thành, đại diện Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tuyên bố kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ( một trong các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) được thành lập. Cuối năm 1929, cùng với Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cùng với đội ngũ đảng viên của 3 tổ chức cộng sản, đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng hoạt động ở Nam Ninh – Long Châu (Trung Quốc), trong đó có đồng chí Lương Văn Tri, Hoàng Văn Thụ đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cùng với hoạt động của các tổ chức Đảng ở trong nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng đứng lên đấu tranh chống kẻ thù của giai cấp, kẻ thù của dân tộc, làm dấy lên cao trào cách mạng rộng khắp trên toàn quốc trong những năm 1930 – 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh, các hoạt động của những người Cộng sản Việt Nam ở Nam Ninh – Long Châu cũng có bước phát triển mới. Chi bộ Đảng chỉ đạo phong trào vùng núi biên giới Việt – Trung được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Hoàng Hồng Việt… do đồng chí Hoàng Đình Giong làm bí thư. Thực hiện sự phân công của Chi bộ Đảng chỉ đạo phong trào vùng núi biên giới Việt – Trung, đồng chí Lương Văn Tri được phân công tuyên truyền, vận động xây dựng, phát triển phong trào quần chúng cách mạng tỉnh Lạng Sơn.
Từ giữa năm 1930 đến đầu năm 1931, đồng chí Lương Văn Tri và đồng chí Hoàng Văn Thụ bí mật về vùng biên giới Việt – Trung thuộc địa bàn Châu Văn Uyên, Lạng Sơn (Việt Nam) và Bằng Tường (Trung Quốc) để kiểm tra, nhằm gây dựng, phát triển các cơ sở quần chúng trung kiên. Bằng sự hoạt động tích cực của đồng chí Lương Văn Tri và đồng chí Hoàng Văn Thụ, các cơ sở cách mạng của quần chúng trung kiên đầu tiên trên quê hương Xứ Lạng đã bắt đầu được xây dựng, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ, liên tục trong những năm về sau. Từ 3 tổ chức quần chúng trung kiên được xây dựng ở Lũng Nghịu (Bằng Tường – Trung Quốc, các cơ sở cách mạng của quần chúng trung kiên tiếp tục nhanh chóng phát triển mạnh ở xóm Khưa Lếch (Bằng Tường – Trung Quốc), tới các xóm Khưa Đa, Ma Mèo, Tà Lài thuộc xã Tân Yên, châu Văn Uyên (Lạng Sơn).
Sau cao trào năm 1930 – 1931, thực dân Pháp tiến hành khủng bố phong trào cách mạng Việt Nam, đồng thời cấu kết với Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc phong tỏa khu vực biên giới Việt – Trung, để đàn áp phong trào cách mạng địa bàn hai tỉnh biên giới là Lạng Sơn và Cao Bằng. Trước tình hình đó, đồng chí Lương Văn Tri và các đồng chí của mình ở Nam Ninh đã rút về hoạt động tại Long Châu, làm việc tại xưởng dệt Định Hưng do đồng chí Hoàng Đình Giong, bí thư Chi bộ Đảng vùng núi biên giới Việt – Trung vận động, tổ chức xây dựng, nhằm mục đích gây quỹ ngân sách duy trì hoạt động, tiếp tục tạo địa điểm bí mật tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng Lạng Sơn, Cao Bằng.
Cuối năm 1931, do yêu cầu của phong trào cách mạng trong nước, công tác đào tạo cán bộ chính trị, quân sự trở thành nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Đồng chí Lương Văn Tri được Chi bộ Đảng vùng núi biên giới Việt – Trung bố trí vào học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).
Năm 1934, sau khi Ban lãnh đạo Đảng ở Hải ngoại được thành lập, Chi bộ Đảng chỉ đạo phong trào vùng núi biên giới Việt – Trung phát triển thành Đảng bộ, đồng chí Lương Văn Tri cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khóa học của mình tại Trường quân sự Hoàng Phố. Trong thời gian học Trường Quân sự Hoàng Phố, đồng chí Lương Văn Tri luôn có tinh thần chuyên cần học tập, thông minh, tiếp thu nhanh kiến thức quân sự, đọc thông, viết thạo, truyền đạt, hướng dẫn kiến thức quân sự bằng tiếng Trung cho các lớp huấn luyện.
Từ năm 1936 đến năm 1938, đồng chí Lương Văn Tri được phân công tuyên truyền, vận động, tổ chức lựa chọn thanh niên yêu nước tỉnh Lạng Sơn đến Long Châu, Trung Quốc dự các lớp huấn luyện cách mạng. Đồng thời, phối hợp cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ tiếp tục gây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở Đảng ở các địa bàn khu vực biên giới thuộc các huyện Tràng Định và Văn Uyên, Thoát Lãng (nay là huyện Văn Lãng); phát triển sâu vào huyện nội địa Bắc Sơn. Ngày 25/9/1936, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở huyện Bắc Sơn được thành lập. Ngày 11/4/1938, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở huyện Tràng Định được thành lập.
Những hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Văn Tri trên đây, đã góp phần quan trọng cho việc hình thành và phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở Đảng, các tổ chức cách mạng của quần chúng ở Lạng Sơn phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trong những năm tiếp theo.
Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (1939), thực dân Pháp ở Đông Dương ra sức khủng bố phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ sáu từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939 tại Bà Điểm (Gia Định), đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc và đề ra chủ trương: “Dự bị những điều kiện bước tới bạo động, làm cách mạng giải phóng dân tộc”. Theo đó, Trung ương Đảng chủ trương tổ chức các lớp huấn luyện quân sự, đào tạo cán bộ tự vệ, chuẩn bị sẵn sàng tiến lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền cách mạng.
Cuối năm 1939, tại cuộc họp của Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức ở Yên Mỹ (Thuận Thành, Bắc Ninh), bàn nội dung chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ bảy của Trung ương Đảng, đồng chí Lương Văn Tri được cử tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác quân sự.
Năm 1940, trên cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách công tác quân sự, tại địa bàn xã Thanh Vân, tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lương Văn Tri đã chỉ đạo và trực tiếp tổ chức được một số lớp huấn luyện quân sự cho đội ngũ cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ và một số tỉnh phía Bắc.
Ngày 27/9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ gây tiếng vang khắp toàn quốc làm cho kẻ thù hoang mang, lo sợ và dùng mọi thủ đoạn dã man để đàn áp, khủng bố. Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Đăng Ninh, Xứ ủy viên, Xứ ủy Bắc Kỳ về Bắc Sơn trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, tiếp tục duy trì đội du kích Bắc Sơn và phong trào cách mạng Bắc Sơn.
Hội nghị Trung ương lần thứ bảy của Đảng họp ngày 6 đến ngày 9/11/1940 tại Đình Bảng, Bắc Ninh đã đề ra chủ trương quyết định phát triển hình thức đấu tranh vũ trang và thành lập căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Đồng chí Lương Văn Tri được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ phân công làm Chỉ huy trưởng Đội Du kích Bắc Sơn và trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai.
2. Đồng chí Lương Văn Tri, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Đội cứu quốc quân Bắc Sơn.
Cuối năm 1940, thực hiện nhiệm vụ do Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ phân công, đồng chí Lương Văn Tri cùng cán bộ tăng cường của Xứ ủy đã về chỉ đạo củng cố phong trào quần chúng ở Bắc Sơn đang bị kẻ địch khủng bố khốc liệt. Đầu năm 1941, tại khu rừng Khuổi Nọi (Vũ Lễ, Bắc Sơn), đồng chí Lương Văn Tri đã chỉ đạo mở một lớp huấn luyện quân sự, chính trị cho Đội Du kích Bắc Sơn và cán bộ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh với nội dung huấn luyện về chiến thuật quân sự, vận động quần chúng, tuyên truyền, tổ chức quần chúng đấu tranh từ hình thức thấp đến hình thức cao, từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang.
Với sự nỗ lực chỉ đạo hoạt động của đồng chí Lương Văn Tri cùng một số đồng chí cán bộ tăng cường của Xứ ủy Bắc Kỳ, trong một thời gian ngắn, cơ sở cách mạng ở cả hai châu Bắc Sơn (Lạng Sơn), Võ Nhai (Thái Nguyên) có bước phát triển mới. Vùng rừng núi hiểm trở có địa thế nối liền nhau thuộc các xã Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn (Châu Bắc Sơn) và Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá (Châu Võ Nhai) đã trở thành khu căn cứ địa vững mạnh của Đội Du kích, trong đó căn cứ Khuổi Nọi là trung tâm. Từ đây có thể triển khai nhanh chóng lực lượng đến Võ Nhai sang Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), xuống Yên Thế (Bắc Giang), lên Na Rì (Bắc Cạn), qua Hữu Lũng, Bằng Mạc (Lạng Sơn). Các lớp huấn luyện quân sự, huấn luyện chính trị ở Xứ ủy Bắc Kỳ do đồng chí Lương Văn Tri phụ trách được mở tại căn cứ Khuổi Nọi đã đào tạo được nhiều cán bộ cho phong trào cách mạng các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang…
Ngày 23/2/1941, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn làm lễ chính thức thành lập tại căn cứ Khuổi Nọi, gồm có 32 cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ được Trung ương chỉ định làm chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân. Đứng trước hàng quân và trước các đồng chí Trung ương, hướng lên lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, đồng chí Lương Văn Tri – Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn nghiêm trang đọc 5 lời thề danh dự của Đội.
Một, không phản Đảng.
Hai, tuyệt đối trung thành với Đảng.
Ba, kiên quyết chiến đấu trả thù cho các đồng chí đã hy sinh.
Bốn, không hàng giặc.
Năm, không hại dân.
3. Đồng chí Lương Văn Tri, người chiến sĩ cộng sản kiên cường,bất khuất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Với vai trò người Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri đã trực tiếp chỉ đạo Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn cho ra đời Bản tin “Du kích” mà bản thân đồng chí là chủ bút, để làm tài liệu tuyên truyền trong quá trình vận động, phát triển phong trào cách mạng, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai.
Nhằm khơi dậy khí thế của quần chúng cách mạng, ngày 1/5/1941, Đội cứu quốc quân Bắc Sơn đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn nhân ngày Quốc tế Lao động tại khu rừng Khuổi Nọi với sự tham gia của đông đảo quần chúng cách mạng ở Châu Bắc Sơn, Lạng Sơn và châu Võ Nhai, Thái Nguyên. Đồng chí Lương Văn Tri thay mặt Ban Chỉ huy, công bố quyết định của Trung ương Đảng phát triển Đội Du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Trong niềm vui hân hoan, chào đón sự ra đời của Đội Cứu quốc quân trong phát triển các cơ sở quần chúng cách mạng, củng cố và mở rộng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai.
Tháng 6/1941, trước yêu cầu hoạt động của Đội Cứu quốc quân và việc xây dựng củng cố căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ định Ban lãnh đạo mới của căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng được Trung ương chỉ định làm Chỉ huy trưởng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, kiêm Chỉ huy trưởng Đội cứu quốc quân Bắc Sơn. Đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ được Trung ương chỉ định làm Chính trị viên Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.
Lo sợ trước hoạt động mạnh mẽ của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, ngày 25/7/1941, thực dân Pháp huy động lực lượng tiến hành một cuộc đàn áp khốc liệt quy mô lớn đối với căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Trong cuộc đàn áp quy mô lớn này, thực dân Pháp và tay sai đã gây nhiều tội ác tày trời đối với nhân dân Bắc Sơn. Nhiều làng bản bị đốt phá, nhiều quần chúng cách mạng bị giết, bị bắt và tra tấn dã man. Chúng dồn dân tập trung ở Đàng Lang (Quỳnh Sơn) để hòng “tát nước bắt cá” tập trung tiêu diệt Cứu quốc quân.
Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, đồng chí Lương Văn Tri cùng Ban Chỉ huy Đội Cứu quốc quân đã quyết định rút toàn bộ Đội Cứu quốc quân chia làm 2 phân đội theo hai hướng lên Cao Bằng và ra khu vực biên giới Việt – Trung. Trong đó, phân đội Cứu quốc quân do đồng chí Lương Văn Tri và đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy rút ngày 10/8/1941 sang địa phận châu Bình Gia qua Na Rì, Ngân Sơn (Bắc Cạn) để lên Cao Bằng. Nhưng, do một tên chánh tổng phản động ở châu Na Rì khai báo, đồng chí Lương Văn Tri cùng các đồng chí của mình bị quân địch bao vây, buộc phải nổ súng ngăn chặn địch để rút khỏi địa bàn. Trong cuộc chiến đấu anh dũng ấy, đồng chí Phùng Chí Kiên đã hy sinh oanh liệt. Đồng chí Lương Văn Tri trúng đạn của địch bị thương nặng, bị địch bắt và giam ở nhà tù Cao Bằng. Kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn cực hình, hòng buộc đồng chí phải khai báo hoạt động của tổ chức, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Trong vòng một tháng giam cầm, tra tấn dã man, kẻ địch vẫn không khuất phục được đồng chí, các cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng do đồng chí phụ trách vẫn được giữ vững và an toàn. Ngày 29/9/1941, đồng chí đã anh dũng hy sinh, để lại tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn
Đăng nhận xét